UBND HUYỆN GIỒNG RIỀNG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 101/PGDĐT-GDTH
Giồng Riềng, ngày 03 tháng 9 năm 2019
V/v Tổ chức dạy học theo mô hình trường
học mới và dạy học TV 1-CNGD
năm học 2019-2020
Kính gửi: Hiệu trưởng các trường tiểu học trong toàn huyện
Thực hiện công văn số 100/PGDĐT-GDTH ngày 03/9/2019 của Phòng GDĐT Giồng Riềng về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2019-2020;
Căn cứ nhiệm vụ năm học 2019-2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường tiểu triển khai thực hiện mô hình trường học mới và dạy học TV 1-CNGD năm học 2019-2020 như sau:
I. Tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới
1. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng dạy học theo mô hình trường học mới (MHTHM) đối với các trường, lớp đã thực hiện trong những năm qua và mở rộng đến các trường, lớp tiểu học trên địa bàn huyện tham gia MHTHM trong năm học 2019-2020.
Năm học 2019-2020, chỉ đạo 42/42 trường tiếp tục tham gia dạy học theo MHTHM, nhằm đảm bảo thực hiện tốt theo yêu cầu nội dung, chương trình sách giáo khoa mới ban hành; tùy vào điều kiện thực tế của nhà trường hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên linh hoạt lựa chọn, vận dụng 1 vài thành tố của mô hình như phát huy tính tích cực học tập của học sinh; khai thác, sử dụng các góc học tập, trang trí lớp học,…tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; các câu lạc bộ trong hoạt động giáo dục nhà trường;... nhằm phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của học sinh.
Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên trang trí lại lớp học như: nội quy lớp học
(lớp mình cùng thực hiện); bảng theo dõi chuyên cần
(ngày em đến lớp); Sơ đồ cộng đồng
(con đường đến trường); Sơ đồ Hội đồng tự quản và các ban; hộp thư (hộp thư điều em muốn nói, hộp thư cam kết, hộp thư vui…); các góc học tập: Toán; Tiếng Việt, TNXH; góc thư viện, góc cộng đồng... Nếu nơi trường, lớp nào có điều kiện thực hiện trang trí thêm các bảng biểu hoặc các góc khác phục vụ cho lớp học.
Đối với lớp học 2 buổi/ ngày hiệu trưởng chỉ đạo trang trí lớp học đúng theo quy định. Đối với trường có lớp dạy 1 buổi/ngày hoặc hơn 5 buổi/tuần hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên linh hoạt chọn lọc một sổ bảng biểu, góc học tập… để trang trí lớp học; cùng phối hợp với giáo viên ở lớp học trái buổi
(dạy cùng phòng học) trang trí lớp cho đảm bảo sự hài hòa của không gian lớp học. Hiệu trưởng cân đối kinh phí hoạt động chi trang trí lớp học, trường hợp kinh phí hạn hẹp nhà trường chủ động thực hiện “xã hội hóa giáo dục” nhưng phải được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và đảm bảo đúng nguyên tắc tài chính.
2. Tổ chức dạy và học
Hiệu trưởng các trường tự chủ về điều kiện phòng học, giáo viên phụ trách giảng dạy
(không được bố trí dư giờ để chi trả chiết tính); đảm bảo giáo viên được tập huấn về phương pháp dạy học theo MHTHM, hiệu trưởng mới phân công giảng dạy. Giáo viên mới được phân công dạy năm đầu tiên, cứ bám vào tài liệu hướng dẫn học để tổ chức giảng dạy, việc điều chỉnh tài liệu, nội dung, lô gô… sẽ thực hiện bắt đầu ở học kỳ II của năm học.
Tùy vào đối tượng và sĩ số học sinh trên lớp, giáo viên tổ chức chia thành nhiều nhóm học tập; lưu ý đối với dạy học theo MHTHM chia theo nhóm 4 cho thấy hiệu quả cao.
Khi dạy học theo nhóm, ở bất cứ hình thức nào, việc đầu tiên giáo viên phải cho học sinh hoạt động cá nhân để xác định yêu cầu, nội dung cần thực hiện, sau đó mới tiến hành làm việc theo nhóm
(nhóm đôi, nhóm lớn…).
Đối với giáo viên dạy chuyên trách và giáo viên dạy bộ môn ở các lớp dạy học theo MHTHM, phải thực hiện việc soạn giảng và tổ chức dạy học đúng theo hướng dẫn đã tập huấn trước đây. Mạnh dạn trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy theo mô hình trường học mới.
Đối với trường có lớp dạy 1 buổi/ngày hoặc hơn 5 buổi/tuần hiệu trưởng chỉ đạo sử dụng tài liệu hướng dẫn học để tổ chức dạy học theo MHTHM; trang trí lớp học và lựa chọn các thành tố tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.
3. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm
Hiệu trưởng các trường tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ thăm lớp, chỉ đạo giáo viên sinh hoạt chuyên môn đúng theo định kỳ, hướng dẫn tổ chức các chuyên đề để trao đổi, tìm ra những giải pháp thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất. Phối hợp với các đơn vị trường trong huyện tổ chức chuyên đề chia sẻ, trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Hiệu trưởng chỉ đạo cho phó hiệu trưởng và giáo viên lồng ghép vào sinh hoạt chuyên môn ở trường bằng cách xem lại các băng đĩa của các giờ dạy và thảo luận, rút kinh nghiệm. Chỉ đạo bộ phận chuyên môn trong năm học, mỗi khối lớp tổ chức ít nhất 1 chuyên đề về dạy học theo MHTHM.
Phòng Giáo dục và Đào tạo củng cố lại tổ tư vấn chuyên môn dạy học theo MHTHM, hỗ trợ tư vấn phương pháp, hình thức tổ chức lớp học… cho cán bộ và giáo viên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Đồng thời trưng tập tổ tư vấn chuyên môn dạy học theo MHTHM tổ chức kiểm tra chuyên môn, chuyên đề trong năm học 2019-2020 ở một số đơn vị,
(có Quyết định thông báo gửi các đơn vị sau).
Dự giờ đánh giá tiết dạy của giáo viên thực hiện theo mẫu phiếu dự giờ
(mẫu của Sở GDĐT hướng dẫn thực hiện ở năm học 2018-2019). Đối với Giáo viên mới dạy theo MHTHM, ở năm học 2019-2020, học kì I chỉ dự giờ để rút kinh nghiệm, sang học kỳ II mới đánh giá, xếp loại.
Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo các khối lớp thực hiện nghiêm túc việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường, nhằm thống nhất nội dung điều chỉnh; tăng (giảm) thời lượng ở các môn học trong ngày phù hợp với thực tế trường, lớp khi tham gia dạy học theo MHTHM. Đáp ứng yêu cầu về chương trình giảng dạy và nâng cao chất lượng dạy học.
4. Thực hiện tốt công tác truyền thông đến cha mẹ học sinh và cộng đồng
Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến cha mẹ học sinh, cộng đồng hiểu thêm về tinh thần Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, để phụ huynh có nhận thức đúng đắn về việc tổ chức dạy và học theo MHTHM đem đến môi trường học tập thân thiện, học sinh phát huy tính chủ động, ham thích đến trường, khắc phục những hạn chế của cách dạy truyền thống.
Nếu có điều kiện thì mời phụ huynh đến quan sát việc học tập của con em nhằm tạo sự đồng thuận của phụ huynh khi trường tổ chức dạy và học theo MHTHM. Đồng thời vận động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, hỗ trợ với nhà trường trong các hoạt động giáo dục.
II. Tổ chức dạy học Tiếng Việt 1-CNGD
1. Tổ chức dạy và học
- Tổ chức dạy 1 tuần 0 của chương trình TV 1- CNGD, bắt đầu từ ngày 12/8/2019. Sau khi kết thúc chương trình tuần 0 mà học sinh chưa biết hết các thao tác, các quy ước, ký hiệu… Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên tiếp tục dạy thêm 1 tuần 0 nữa, đảm bảo cho tất cả học sinh phải thực hiện được các yêu cầu cơ bản trước khi vào học nội dung chính của chương trình.
* Lưu ý đối với giáo viên khi dạy:
+ Dạy tuần 0 cần phải hết sức chuẩn mực, rõ ràng, dứt khoát (không sai, không thừa, nhẹ nhàng nhưng không khoan nhượng).
+ Giao việc 1 lần, sử dụng câu lệnh hoặc kí hiệu phải rõ ràng để học sinh nghe và hiểu. Khi giao việc xong, giáo viên đi xuống lớp để kiểm soát việc làm của tất cả học sinh để giúp đỡ, hướng dẫn những học sinh yếu; khi học sinh hoàn thành nhiệm vụ mới giao việc khác.
+ Nắm chắc thiết kế bài dạy (thuộc lòng Thiết kế) và thành thạo các thao tác, quy trình của từng mẫu bài dạy để tổ chức lớp học tốt hơn. Giáo viên mới được phân công dạy TV 1- CNGD, chưa có kinh nghiệm, trước mắt cứ bám theo thiết kế để dạy.
+ Khi phát âm phải thật chuẩn mực, rõ ràng (cố gắng khắc phục các lỗi phát âm theo phương ngữ địa phương); quan tâm đến rèn chữ viết, hỗ trợ học sinh kịp thời trong suốt thời gian học tập.
2. Thực hiện sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề
- Hiệu trưởng các trường tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ thăm lớp, chỉ đạo giáo viên sinh hoạt chuyên môn đúng theo định kỳ; hướng dẫn giáo viên tổ chức các chuyên đề để trao đổi, tìm ra những giải pháp thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất. Phối hợp với các đơn vị trường cụm xã hoặc những đơn vị trường có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy TV 1- CNGD tổ chức chuyên đề chia sẻ, trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Dự giờ đánh giá tiết dạy của giáo viên thực hiện theo mẫu phiếu dự giờ
(mẫu của Sở GDĐT hướng dẫn thực hiện ở năm học 2018-2019).
- Hiệu trưởng chỉ đạo bộ phận chuyên môn nhà trường, trong năm học tổ chức ít nhất 1 chuyên đề về dạy TV 1- CNGD.
- Phòng Giáo dục và Đào tạo củng cố lại tổ tư vấn chuyên môn TV 1- CNGD, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho cán bộ và giáo viên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Đồng thời trưng tập tổ tư vấn chuyên môn TV 1- CNGD tổ chức kiểm tra chuyên môn, chuyên đề trong năm học 2019-2020 ở một số đơn vị,
(có Quyết định thông báo gửi các đơn vị sau).
III. Công tác tập huấn
Hiệu trưởng nhà trường tự tổ chức tập huấn cho giáo viên chưa có nghiệp vụ vững vàng và giáo viên mới tham gia dạy học theo MHTHM và TV 1- CNGD. Kế hoạch và thời gian tập huấn do trường chủ động.
Báo cáo viên: gồm hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng, giáo viên có tham gia dạy học theo MHTHM và TV 1- CNGD ở các năm học trước có kinh nghiệm và đã được tham gia tập huấn cấp huyện trở lên, tổ chức triển khai lại cho tất cả giáo viên của nhà trường.
Tài liệu tập huấn: sử dụng tài liệu, băng đĩa của những năm học trước được Phòng Giáo và Đào tạo triển khai tập huấn cấp huyện và gửi các trường triển khai tập huấn cấp trường. Hoặc vào Website của Phòng Giáo dục và Đào tạo Giồng Riềng để tải về tham khảo thêm.
Kinh phí tập huấn: các đơn vị cân đối và chi theo thực tế từ nguồn kinh phí hoạt động sự nghiệp của đơn vị
(không chi chế độ tiền báo cáo viên cấp trường).
Trên đây là hướng dẫn tổ chức dạy học theo MHTHM và TV 1- CNGD năm học 2019-2020. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc gì trao đổi trực tiếp với bộ phận chuyên môn tiểu học Phòng Giáo dục đào tạo để tiếp tục chỉ đạo./.
TRƯỞNG PHÒNG
Nơi nhận:
- Như kính gửi; (Đã ký)
- Lưu VT.
Nguyễn Nhật Hồng